Mỗi ngày một bài báo: Chia sẻ của nhà khoa học về thói quen đọc một bài nghiên cứu mỗi ngày
SSHPA (15-09-2020) — Bất cứ nhà khoa học nào cũng phải cập nhật được tài liệu nghiên cứu. Nhưng trong danh sách dài những công việc cần hoàn thành (bao gồm viết hồ sơ xin tài trợ, xuất bản, công tác thực địa, giảng dạy, phân tích), đọc bài nghiên cứu dường như không còn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
(Nguồn: Image by lil_foot_ from Pixabay)
Olivia Rissland là một nhà nghiên cứu sinh học phân tử và đang quản lý một phòng nghiên cứu về điều chỉnh gen tại University of Colorado Anschutz Medical Campus ở Aurora. Cô cho rằng: “Đọc bài nghiên cứu chắc chắc sẽ thuộc nhóm công việc “quan trọng nhưng không gấp”.
Cô chia sẻ thêm: “Nói “Mình sẽ đọc bài đó vào ngày mai” là việc cực kỳ dễ dàng, nhưng sau lao lâu mà bạn chưa đọc một bài nghiên cứu nào?”
Vào ngày đầu tiên của năm 2018, Rissland tự đặt cho mình nhiệm vụ đọc một bài nghiên cứu mỗi ngày. Lúc đầu, cô tò mò không biết việc này sẽ được duy trì trong bao lâu, nhưng chỉ trong một tháng, cô thực sự đã bị thu hút. Đó là cách cô học hỏi và tìm thêm ý tưởng mới: “Tôi yêu việc học một điều gì đó mới mỗi ngày và xem cách chúng thêm những ý tưởng mới cho nghiên cứu của tôi”.
Vào ngày 17/6/2020, Rissland đăng lên Twitter kể về trải nghiệm duy trì việc đọc nghiên cứu mỗi ngày và làm sao thói quen này đã giúp ích cho công việc của cô bằng những cách cô chưa từng nghĩ tới.
“Tính tới hôm nay, tôi đã đọc 899 bài nghiên cứu trong 899 ngày”, cô đăng, “Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ học được nhiều như vậy trong 2.5 năm qua, nó thực sự giúp tôi trở thành một nhà nghiên cứu và một con người tốt hơn.”
1. Toàn diện hơn
Ngoài việc duy trì đọc các nghiên cứu mới trong ngành của mình, Rissland cũng mở rộng chủ đề hơn. Cô đang đọc các nghiên cứu về xem xét đạo đức và đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu, ví dụ như về ảnh hưởng của những thiên kiến mang tính hệ thống đến quyết định tuyển dụng và đề bạt thăng chức.
Đọc hết một bài nghiên cứu cũng giúp cô thấy những điểm mới mà cô sẽ bỏ sót khi xem qua những kết quả chính trong bài, ví dụ như học về những phương pháp nghiên cứu khác nhau.
Cô nói: “Đọc nghiên cứu giúp tôi trở thành nhà khoa học toàn diện hơn”.
Mặc dù Rissland không có cách chọn bài nghiên cứu cụ thể nào, trong máy tính của cô có một tập file lưu giữ những bài cô sẽ đọc. Hiện trong đó có khoảng 250 bài và cô sẽ chọn bài nào mà cô thấy thu hút nhất. Thỉnh thoảng, cô sẽ chọn những chủ đề mà cô muốn đào sâu thêm và có thể cô sẽ tập trung vào chủ để đó trong vài tuần. Cô cho rằng niềm vui nằm ở việc cô có thể chọn những chủ đề cô muốn, mà không phải là những chủ đề mà cô phải đọc.
(Nguồn: Image by Thought Catalog from Pixabay)
Bài nghiên cứu mà Rissland yêu thích nhất là một nghiên cứu xã hội học tên “The Mundanity of Excellence” phân tích về các yếu tố làm những người bơi lội trở nên xuất sắc. Đây là nghiên cứu đã thay đổi cách cô tiếp cận với khoa học và quản lý phòng lab.
2. Thói quen lâu dài
Rissland duy trì thói quen bằng cách giữ trách nhiệm của bản thân, cô chia sẻ những góc nhìn từ việc đọc hằng ngày qua “365 papers” trên kênh Slack của phòng lab. Cô cũng ghi lại những bài nghiên cứu trên Google sheet, mỗi ngày trong năm sẽ có một dòng. “Mỗi lần thêm trích dẫn trên Google sheet đều cho tôi niềm vui và cảm giác có thành quả giúp tôi duy trì thói quen”.
Cô cũng không cho phép bản thân lười biếng. Tài liệu cho xuất bản nghiên cứu sẽ không được tính. Và nếu cô không đọc một ngày, vì đi du lịch với gia đình chẳng hạn, cô sẽ bù vào sau đó.
Rissland nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc nghiên cứu: “Dành thời gian đọc nghiên cứu rất quan trọng với sự thành công của phòng lab của tôi, thậm chí còn hơn cả trả lời email nữa”. “Tôi không nhất thiết phải làm việc nhiều hơn tất cả mọi người, tôi chỉ cần đảm bảo rằng tôi dành đủ thời gian đọc mỗi ngày. Đó là điểm nhấn mỗi ngày của tôi, thay vì là một gánh nặng”.
Lời khuyên của Rissland tới những nhà nghiên cứu muốn thử thách bản thân tạo thói quen này, đặc biệt là sinh viên người thường sẽ đọc chậm hơn, là hãy tự điều chỉnh thời gian để phù hợp và thực tế với công việc của họ, chẳng hạn dành khoảng 20, 30 phút mỗi ngày.
Cô cũng gợi ý nên việc tạo những quy định thực tế từ trước sẽ củng cố thói quen. Và hơn tất thảy, cần cảm thấy đọc nghiên cứu là việc vui vẻ. Với cô, đó là thời gian vui nhất mỗi ngày vì cô là một nhà khoa học. Và cô thường cảm thấy được truyền cảm hứng và ý tưởng từ những bài nghiên cứu đẹp của người khác.
Nguồn: sc.sshpa.com